Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cà Mau
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 1,011
  • Trong tuần: 1,011
  • Tất cả: 1,213,147
Tập huấn tích hợp giáo dục tài chính trong biên soạn sách giáo khoa
Trong 3 ngày (7-9/7), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức chương trình tập huấn cho tác giả sách giáo khoa về tích hợp giáo dục tài chính trong biên soạn sách. Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó giám đốc WB tại Việt Nam - bà Steffi Stallmeister, cùng đội ngũ tác giả sách giáo khoa của các nhà xuất bản dự tại 2 đầu cầu trực tuyến Hà Nội và TP HCM.      

Tại chương trình các tác giả sách giáo khoa được chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi để hiểu rõ vai trò của giáo dục tài chính trong chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 và chương trình các môn học; giới thiệu các yêu cầu cần đạt có tích hợp giáo dục tài chính trong từng lớp học của mỗi môn học. Các tác giả đồng thời được trang bị kiến thức, kĩ năng để vận dụng quy trình tích hợp giáo dục tài chính vào sách giáo khoa. Những kiến thức, kỹ năng để sử dụng các chiến lược giảng dạy phù hợp với bộ môn và yêu cầu cần đạt của từng lớp học, cũng được giới thiệu tới tác giả.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo tập huấn, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng, đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi đất nước đang trên đà hội nhập, phát triển. Giáo dục tài chính sẽ giúp tạo ra một thế hệ học sinh hiểu biết về tài chính, biết vận dụng hiệu quả kiến thức này vào thực tế cuộc sống để giúp ích cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển ổn định bền vững nền kinh tế - xã hội quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển của thế giới.

Giáo dục tài chính ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo khảo sát của OECD (tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), có 59 quốc gia đã xây dựng chiến lược quốc gia để giáo dục tài chính, khu vực Đông Nam Á có Singapore và Malaysia đã xây dựng chiến lược này. “Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt hướng tới xây dựng quốc gia khởi nghiệp nên cần giáo dục để học sinh hiểu biết về tài chính trong nước và thế giới, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Với tinh thần đó, khi xây dựng CT GDPT mới, Bộ GDĐT đã chỉ đạo tích hợp giáo dục tài chính vào 6 môn học, gồm: Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm. Nội dung giáo dục cũng này là một phần nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.

“Để thực hiện được giáo dục tài chính của CT GDPT 2018, việc tập huấn cho các tác giả về tích hợp nội dung này vào sách giáo khoa là rất cần thiết”, Thứ trưởng nhấn mạnh và mong muốn tác giả, biên tập viên viết sách giáo khoa sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức để tích hợp tốt nhất giáo dục tài chính vào sách giáo khoa khi tham gia khoá tập huấn. Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cảm ơn WB đã đồng hành và hỗ trợ Bộ GDĐT trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.

Phó giám đốc WB tại Việt Nam - bà Steffi Stallmeister đánh giá, Việt Nam đã thành công trong việc đưa chính sách tài chính toàn diện vào giáo dục và là một trong 3 quốc gia đi đầu ở Châu Á về tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình, sách giáo khoa GDPT. Điều này thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Bộ GDĐT khi hướng tới sự phát triển toàn diện của đất nước, phát triển các công dân toàn cầu đáp ứng nhu cầu của đất nước và thế giới.

Với sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, bà Steffi Stallmeister cho biết, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có tích hợp giáo dục tài chính vào chương trình, sách giáo khoa và thực hiện giáo dục nội dung này cho người học.

GS Đỗ Đức Thái trao đổi tại hội thảo

Là chủ biên chương trình môn Toán của CT GDPT mới - GS Đỗ Đức Thái cho biết, mạch giáo dục tài chính trong chương trình môn Toán được thực hiện từ lớp 2 đến lớp 12, trong đó tập trung nhiều ở các lớp THCS và THPT. Theo đó, chương trình sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết và năng lực tài chính cốt lõi. Ví dụ, học sinh sẽ được tìm hiểu về học vấn cốt lõi về tiền tệ và tài chính, trong đó giới thiệu các khái niệm, phương tiện, công cụ cơ bản trong tài chính và tiền tệ; giáo dục về tiền, giá trị sử dụng và giá trị đạo đức của tiền…

Chương trình môn Toán cũng giúp các em tìm hiểu về hệ thống tài chính, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính; biết đánh giá nguồn tài chính; xác định rủi ro và lợi nhuận liên quan đến tiết kiệm và đầu tư. Học sinh cũng được giáo dục để biết cách lập kế hoạch và quản lí tài chính cá nhân hiệu quả.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của giáo dục tài chính cho học sinh, GS Thái mong muốn Bộ GDĐT và WB tiếp tục quan tâm để đưa nội dung này vào sách giáo và chỉ đạo, hướng dẫn để các nhà trường thực hiện việc giảng dạy hiệu quả. Song song cần giúp phụ huynh học sinh, xã hội nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục tài chính, từ đó đồng thuận và phối hợp với nhà trường giáo dục hiệu quả cho học sinh.

Sau chương trình tập huấn tác giả viết sách giáo khoa, Bộ GDĐT phối hợp với WB sẽ tiếp tục tập huấn cho thành viên dự kiến tham gia   Hội đồng thẩm định sách giáo lớp 2, lớp 6 về tích hợp giáo dục tài chính trong chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Tác giả: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Liên hệ

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cà Mau

Địa chỉ:77 Ngô Quyền, Phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau