Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cà Mau
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 980
  • Trong tuần: 980
  • Tất cả: 1,213,116
Ngân hàng hoạt động cho trẻ mẫu giáo: Hỗ trợ tích cực cho giáo viên
Ngày 26/6, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (NG&CBQL), Bộ GDĐT và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) đồng tổ chức Hội thảo quốc gia Công bố hai chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên dành cho giáo viên mầm non (GVMN), với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là chuyên gia và đại diện Sở GDĐT từ 27 tỉnh thành trên cả nước.      

Giáo viên cả nước dễ dàng tiếp cận

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục NG&CBQL cho biết, hai chuyên đề do Cục NG&CBQL và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) phối hợp tổ chức biên soạn, nhằm hỗ trợ GVMN trong việc phát triển kỹ năng tiền đọc viết cho trẻ, tập trung vào trẻ vùng dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo

Hai chuyên đề được trực tiếp biên soạn bởi nhóm tác giả giàu kinh nghiệm và tâm huyết đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, được góp ý bởi nhiều chuyên gia, GV, CBQL tại các địa phương và đã được Hội đồng thẩm định Bộ GDĐT thông qua.

Đặc biệt, các tài liệu, bao gồm ngân hàng hoạt động cho trẻ mẫu giáo, sẽ được đưa lên các nền tảng học tập trực tuyến  https://elm-vietnam.edu.vn/ để giáo viên trên cả nước có thể tiếp cận dễ dàng.

Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện SCI hẳng định, thành quả của dự án về giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non kết tinh từ quá trình làm việc minh bạch, chặt chẽ với tính hiệu quả cao của hai bên đối tác trong vòng 03 năm qua (từ 2017 - 2020).

 “Chúng tôi tin rằng, với những giá trị bền vững mà dự án mang lại, hàng triệu trẻ em trong độ tuổi mầm non trên cả nước, đặc biệt là các trẻ em có nhu cầu đặc biệt, sẽ có được những kỹ năng tiền đọc viết cần thiết trước khi bước vào cấp tiểu học”, bà Dragana Strinic nhấn mạnh.

Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện SCI

Hai chuyên đề cung cấp cho giáo viên kiến thức nền tảng về phát triển ngôn ngữ cho trẻ, đặc điểm của trẻ vùng dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật, đồng thời gợi ý điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp để hỗ trợ trẻ làm quen với đọc viết.

Được sử dụng lồng ghép cho cả hai chuyên đề, bộ công cụ ELM là một giải pháp dựa trên các bằng chứng thực tiễn, các hoạt động học mà chơi, đã được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Phương pháp này được chuyển ngữ và thử nghiệm tại một số địa bàn ở Việt Nam từ 2014. Đến nay, đã hoàn thiện 7 cuốn với 3 phần: Tổng quan, ELM tại trường, ELM tại nhà.

Bà Lê Thị Thùy Dương, đại diện SCI phụ trách hai chuyên đề, lưu ý: “Sử dụng bộ công cụ này, GVMN sẽ giúp trẻ cải thiện sự sẵn sàng của mình chứ không phải dạy trẻ biết đọc, biết viết từ bậc mầm non”.

Như vậy, điểm đặc biệt của ELM là không thay thế chương trình GDMN hiện hành, không phá vỡ giáo án hiện có. ELM đơn giản là tài liệu tham khảo phong phú giúp công việc dạy học hàng ngày của GVMN thuận tiện, hiệu quả, thú vị hơn, tương tác tốt hơn, hỗ trợ trẻ phát triển 4 nhóm kiến thức kỹ năng cơ bản cũng như hỗ trợ phụ huynh đồng hành trong hình thành kỹ năng, thói quen tốt cho trẻ.

Giảm thời gian, áp lực cho giáo viên

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Vĩnh Hảo, đại diện Sở GDĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, với đặc thù mạng lưới sông ngòi chằng chịt, GDMN ở Tiền Giang gặp nhiều khó khăn, dẫn tới khoảng cách khá xa trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ nông thôn với trẻ thành thị.

Từ 2017-2019, Tiền Giang đã thực hiện dự án của SCI tại 11 đơn vị trường (5 mầm non và 6 tiểu học). Sử dụng ELM, GVMN không chỉ giúp trẻ làm quen với đọc viết, mà còn tư vấn kỹ năng hướng dẫn các con tại nhà thông qua sinh hoạt chuyên môn với phụ huynh và qua các video hướng dẫn.

Bà Nguyễn Vĩnh Hảo, Sở GDĐT tỉnh Tiền Giang 

Đánh giá tác động của bộ công cụ ELM sau quá trình thí điểm tại Tiền Giang, bà Hảo cho rằng, bộ công cụ này không mới, có cái chúng ta đã từng làm, nhưng khi được các chuyên gia thiết kế công phu, rõ ràng mục đích, mục tiêu, từng bước thực hiện, giáo viên mới hiểu rõ để thực hiện bài bản, tự tin.

“Hai ngày tập huấn kỹ, sát, với hàng loạt yêu cầu hoạt động, nhưng các cô thực hiện với gương mặt rất vui. Kết quả làm việc cho thấy các cô rất cần cù, chịu khó, sáng tạo.”, đại diện Sở GDĐT Tiền Giang chia sẻ.

Bước vào triển khai thực tiễn, Sở, Phòng vừa động viên, hướng dẫn vừa cùng làm nên GVMN yên tâm, dần khắc phục những lúng túng, hay rập khuôn, máy móc ban đầu. Dần dà, các cô hiểu rõ và linh hoạt hơn sau 1-2 tháng vận dụng.

ELM được chuyên gia viết sẵn, GVMN chỉ việc lấy ra áp dụng cho phù hợp. Rõ ràng, các cô giảm hẳn áp lực và thời gian phải suy nghĩ, chuẩn bị các hoạt động giáo dục nhưng vẫn giữ được tinh thần chủ động. Bà Hảo viện dẫn, các trò chơi bingo hay lắp tranh chữ cái đều không chỉ dừng ở chữ số, chữ cái mà còn giúp giáo viên phát triển chủ đề khác liên quan, gần gũi, trực quan với trẻ như các loài hoa, quả, con vật,...

Đại diện Sở GDĐT Tiền Giang lưu ý thêm, không nên đặt yêu cầu quá cao với trẻ, cũng không nên gây áp lực cho GVMN, chỉ cần giúp trẻ đạt kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình GDMN và niềm vui đi học.

Giáo viên không còn “dạy chay”

Bên lề hội nghị, Trưởng Phòng GDMN, Sở GDĐT TP Đà Nẵng, bà Đặng Thị Cẩm Tú cho biết, dự án triển khai hiệu quả tại 5 trường mầm non ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu từ năm 2018. Từ 2019, dự án tiếp tục mở rộng ở quận, huyện khác khó khăn hơn, nhất là vùng có khu công nghiệp, chế xuất.

Thông qua hoạt động thực hành trải nghiệm, các trò chơi gần gũi tại lớp, giáo viên đam mê, sáng tạo, tự tin và logic hơn trong nghiên cứu, tổ chức các lớp học còn kỹ năng tiền đọc, tiền viết của các con có dấu hiệu chuyển biến tốt.

Ở vùng khó khăn, thay vì “dạy chay”, các cô như “thổi” luồng hơi thở mới vào lớp học, giúp trẻ cởi mở, mạnh dạn tương tác và trình bày ý kiến cá nhân.

 

Tác giả: Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Liên hệ

Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cà Mau

Địa chỉ:77 Ngô Quyền, Phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau